3 bài văn hay tả cây cối | Tả cây bưởi | Tả cây bàng | Tả cây phượng | Tiếng Việt 4 Bài 23 Tuần 31 trang 108 | Kết nối tri thức
3 bài văn hay tả cây cối | Tả cây bưởi | Tả cây bàng | Tả cây phượng | là bài giảng trong hoạt động Viết giúp các em học sinh Lớp 4 học tốt Tiếng Việt 4 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đây là tiết Viết Bài 23 Tuần 31 trang 108 của chủ điểm: Quê hương trong tôi của Sách Tiếng Việt 4 có trên kênh Tư liệu tiểu học.
Qua tiết học này , em được củng cố cấu tạo bài văn miêu tả cây cối. Dựa vào dàn bài đã lập tiết trước, em viết được bài văn miêu tả cây cối chọn 1 trong 3 đề ở sách giáo khoa trang 108. Dựa vào kết bài viết của em, em biết đọc soát lỗi và sửa lỗi, biết trao đổi với bạn và chỉnh sửa bài văn đã viết cho tốt hơn.
01:07. Yêu cầu cần đạt
01:32. Xác định yêu cầu đề bài
03:10. HĐ1. Chuẩn bị viết
04:20. HĐ 2. Viết bài văn: Bài văn hay tả cây bưởi Diễn
08:12 Bài văn hay tả cây ở sân trường : Tả cây bàng
13:27 Tả cây gắn với em nhiều kỉ niệm: Tả cây phượng
17:35 HĐ 3. Đọc soát lỗi và sửa lỗi
TIẾT 3 . VIẾT. VIẾT BÀI VĂN MIÊU TẢ CÂY CỐI
Chọn 1 trong 3 đề dưới đây:
Đề' 1: Viết bài văn miêu tả một cây ăn quả mà em yêu thích.
Đề 2: Viết bài văn miêu tả một cầy ở sân trường đã gắn bó với em và bạn bè.
Đề 3: Viết bài văn miêu tả một cây mà em biết qua phim ảnh, sách báo.
1. Hướng dẫn HS chuẩn bị viết
- Dựa vào dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 22, viết bài văn theo yêu cầu của đề bài.
- GV nêu yêu cầu: HS đọc để bài và dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 22.
- GV có thề hướng dẫn thêm: Các em đã tìm hiểu cách viết bài văn tả cây cối, đã lập dàn ý bài văn tả một cây; biết viết mở bài, kết bài theo những cách khác nhau. Bây giờ, các em có thể chọn một trong 3 đề bài có trong SHS để viết bài văn theo dàn ý đã lập.
2. Học sinh viết bài
- GV hỗ trợ HS trong quá trình viết
2.1. Bài văn minh họa tả cây sân trường: Tả cây bàng
Sân trường em có nhiều cây bóng mát. Ngay ở cạnh phòng số 5 có một cây bàng già. Cây bàng đã che mát cho cả một khoảng sân rộng.
Cây bàng này trồng từ lâu rồi nên gốc khá to. Từ xa nhìn lại, bàng như một chiếc ô xanh khổng lồ. Bàng sừng sững như một tòa tháp, tỏa bóng che mát cả một khoảng sân trường, che mát cho chúng em vui chơi. Dáng cao và thẳng, ngọn vượt cả mái nhà hai tầng. Quanh gốc được xây một cái bồn tròn, giúp cây đứng vững chắc hơn.
Gốc bàng to, nâu xỉn, nhô lên mấy rễ lớn. Thân vỏ màu xám, nham pháp, nhiều vết trầy xước. Những tán lá xanh um, ken kín vào nhau. Lá to tròn như cái quạt mo phe phẩy trong gió. Từ thân lớn chia ra các cành. Cành ngang cành dọc đan xen như chiếc lọng của vị quan xưa. Mỗi trưa tan học, chúng em thường ngồi dưới cái lọng đó hóng mát một lúc.
Mùa xuân, bàng đâm lá. Những lộc non chồi biếc tràn ngập trên những cành cây. Những búp bàng cứ như những ngọn nến xanh đang thắp lửa trong nắng xuân hồng.
Mùa hè, bàng mở hội đón chim về. Cả ngày chim hót líu lo trong vòm lá. Bàng nở hoa. Hoa bàng màu trắng ngà, nhỏ li ti. Một làn gió nhẹ thổi, hoa bàng rụng vàng cả gốc. Rồi những chùm quả bàng lấp ló trong lá. Nắng hè gay gắt, ngồi dưới gốc bàng đọc truyện thú vị biết nhường nào.
Thu tới, lá bàng xanh đậm hơn. Bàng chín vàng ong, thơm nựng rung rinh trong gió thu. Cả ngày lũ chim chí choách tranh nhau những của bàng chín. Chúng em thường nhặt những trái bàng rụng để chơi. Bàng chín ăn không ngon, hơi chát nhưng lại khá lạ. Ăn quả bàng luôn gợi cho chúng em cảm giác thật thích thú.
Đông về, lá bàng đỏ quạch. Lá bay lả tả trên sân trường. Trong cái giá lạnh, bàng chỉ trơ ra những cành gầy guộc nhô lên trời. Bàng hiên ngang trong rét, nó đang chắt chiu dòng nhựa mới, ghi thêm một tuổi đời.
Cây bàng trường em là thế đó. Nhờ nó mà trường em có bóng mát, xanh hơn và đẹp hơn. Em cảm ơn bàng em coi bàng như một người bạn thân của em.
2.2. Bài làm minh họa tả cây ấn tượng với học trò: Tả cây phượng vĩ
Ở sân trường em trồng nhiều cây bóng mát. Mỗi cây có một vẻ đẹp riêng. Nhưng gần gũi và thân thuộc nhất với em hơn cả vân là cây phượng già ở góc sân trường.
Cây phượng được trồng từ lâu rồi. Thân nó cao và to lắm. Nhìn từ xa, cây phượng như một chiếc ô xanh khổng lồ. Ngọn cao vượt mái tầng hai trường em. Tán xòe rộng cả một khoảng sân. Thân to, vỏ nâu xỉn, có đốm bạc, xù xì lồi lõm, có nhiều vết nứt ngang. Từ thân chia ra thành ba nhánh lớn. Cành tiếp cành cứ vươn ra tứ phía, đan vào nhau thành tán lớn.
Xuân qua, hè tới, phượng bắt dầu nở hoa. Phượng nở đồng loạt, kết thành từng chùm đỏ rực trông như một mâm xôi gấc. Hoa phượng có năm cánh, bốn cánh đỏ tươi và một cánh có đốm trắng. Nhuỵ hoa giống râu con bướm. Chúng em thường lấy nhuỵ đó chơi chọi gà. Theo gió, hoa phượng rụng đỏ cả góc sân. Chúng em nhặt những cánh hoa, ép vào trong vở thành những con bướm thắm, viết dòng lưu bút để tặng nhau khi sắp nghỉ hè.
Qua hè, hoa phượng chỉ lác đác trên cây. Lá phượng trở nên xanh thẫm hơn. Lá vàng dần cũng là lúc thu sang. Mỗi làn gió thổi qua làm hàng ngàn hạt gạo vàng rơi lả tả trên sân. Lá rụng để lộ ra những quả phượng dài như thanh kiếm lúc lỉu trên cành.
Mùa đông, cây phượng trơ trụi cành. Những quả phượng như những quả bồ kết to cứ đung đưa trong gió rét. Phượng chẳng sợ mưa gió. Phượng cứ đứng trên sân để lắng nghe chúng em học bài. Phượng vẫn cần mẫn chắt chịu nhựa mới để đợi xuân về.
Nghĩ đến cây phượng già này em lại nhớ trường, nhớ thầy cô. Em yêu cây phượng nhiều. Cây phượng đã tô đẹp cho ngôi trường em. Em coi phượng như người bạn thân. Nhờ phượng đã giữ cho em nhiều kỉ niệm đẹp của tuổi học trò.
2.3. Dàn ý tả cây bưởi
I. Mở bài: Giới thiệu về cây bưởi định tả: Cây bưởi của ông em trồng.
II. Thân bài:
a) Tả bao quát:
- Cây bưởi cao chừng năm mét. Dáng..? Giống... Trồng ở... Đã 3 mùa hoa
- Rễ bám sâu xuống đất.
- Thân cây nghiêng nghiêng, nhiều cành, xum xuê.
- Lá bưởi non có màu xanh tươi, hơi nhọn, mỏng manh.
- Lá già xanh sẫm, dày, hình bầu dục.
- Mùa xuân: Hoa bưởi trắng, năm cánh mịn, uốn cong xuống dưới. Nhị hoa màu vàng tươi. Mùi hương ...
- Mùa hè: Tán lá bưởi. Quả bưởi tròn, vỏ ngoài màu xanh, sờ vào lớp vỏ nghe nham nháp.
- Mùa thu: Quả chín vàng. Ăn bưởi: vỏ trong màu hồng nhạt. Múi bưởi cong cong, mọng nước, vị ngọt mát.
III. Kết bài:
- Em rất quý cây bưởi ông em trồng
- Bưởi là loài cây đã đem lại lợi ích cho người dân quê em.
Bài làm minh họa tả cây bưởi sinh động
Ngay trước sân nhà em trồng nhiều cây ăn quả. Mỗi cây có vẻ đẹp riêng. Nhưng cây bưởi đầu ngõ là cây ấn tượng nhất. Ông em bảo đó là cây bưởi ngoan.
Đó là cây bưởi Diễn. Đến nay, nó được nhiều năm rồi đấy. Ngọn cao vượt mái nhà. Gốc to. Vỏ mốc trắng, nổi nhiều mảng rêu bám. Thân thẳng vững chãi chia thành hai nhánh lớn. Rồi cành trên cành dưới cứ níu kéo nhau, đan vào nhau tạo thành những tán lá xum xuê. Có cành lan ra mặt sân, bố em phải dùng cây gỗ to chống đỡ cành đó.
Tháng Hai về cũng là lúc cây bưởi nhà em đua nhau bật chồi biếc. Trong nắng xuân hồng, bưởi xòe lá xanh non mơn mởn phủ kín cành. Cây bưởi trông y như cái ô xanh non chỡn. Rồi bao nhiêu là nụ, chi chít , chen chúc nhau mọc từ các kẽ lá. Bưởi nở hoa trắng xóa cả đầu ngõ. Cây bưởi đẹp như cái ô trắng ai đó bỏ quên bên sân nhà em. Hương thơm ngan ngát. Bà hái đĩa hoa bưởi đẹp vào thắp hương. Mẹ hái đầy rổ hoa bưởi để ướp cùng bột sắn dây. Em và chị thi nhau chọn góc thật đẹp để chụp ảnh, lưu giữ kỉ niệm.
Thu về. Cây bưởi lúc lỉu quả vàng. Nhìn quả bưởi chín, em cứ ngỡ cây bưởi treo bao nhiêu ông trăng vàng. Hương bưởi chín lan xa khắp vườn. Ông tỉa vài quả bưởi để ăn. Quả nào cũng to, vỏ căng nhẵn, mùi hăng hắc. Sau lớp ùi bưởi trắng ngà, xôm xốp là múi bưởi to mọng nước. Ai ăn cũng thấy ngọt mát. Vị ngọt của bưởi quanh quẩn nơi đầu lưỡi làm ta nhớ mãi không quên.
Mùa đông, lá bưởi xanh đậm hơn. Cây bưởi lộ ra những quả chín vàng. Bà cắt đầy thùng bưởi để bán chợ Tết. Mẹ biếu người thân những quả bưởi đẹp. Bố chọn quả to nhất để bày mâm ngũ quả đón giao thừa. Bưởi hạnh phúc được dâng những niềm vui cho gia đình em.
Cây bưởi nhà em không chỉ cho quả ngon, mà nó còn cho một khoảng sân mát rượi. Nó cũng tô đẹp cho ngôi nhà thân yêu của em. Ngắm cây bưởi, em thấy ngôi nhà em thật yên bình.
3. Hướng dẫn HS đọc soát và chỉnh sửa bài viết
a. HS làm việc cá nhân
HS đọc lại bài, tự chỉnh sửa lỗi theo hướng dẫn của SHS.
b. Làm việc chung cả lớp (nếu còn thời gian)
- GV mời một số HS đọc bài trước lớp.
- GV và cả lớp nhận xét, khen ngợi các bài hay, độc đáo,...
- GV mời HS nêu những điều cần nhớ khi viết bài văn miêu tả cây cối sau tiết học.
VẬN DỤNG
GV hướng dẫn HS thực hiện yêu cầu ở hoạt động Vận dụng (Trao đổi với người thân vê bài văn tả cây em đã viết và xin ý kiến góp ỷ).
- GV yêu cầu HS nhắc lại các nội dung chính ở Bài 23:
+ Đọc - hiểu: Đường đi Sa Pa.
+ Luyện từ và câu: Luyện viết tên cơ quan, tổ chức + Viết: Lập dàn ý cho bài văn miêu tả cây cối
- GV hỏi HS thấy nhớ nhất, hiểu nhất nội dung nào ở Bài 23.
- GV nhận xét kết quả học tập của HS. Khen ngợi, động viên nhũng HS học tập tích cực. Dặn HS đọc trước Bài 24.