Đọc: Tiếng hát của người đá  | Tiếng Việt 5 Tuần 19 Bài 1 Sách Kết nối  Trang 8

Tiếng hát của người đá  - Đây là bài đọc dạy trong  tiết 1  của Bài 1 Tuần 19   Sách Tiếng Việt 5  Tập 2 Sách Kết nối tri thức có trên kênh Tư liệu Tiệu học.  Bài giảng này thuộc chủ điểm : Vẻ đẹp cuộc sống.  Qua bài  Tiếng hát của người đá  trang 8  giúp em rèn đọc, biết đọc đúng  từ ngữ, câu, đoạn và toàn bộ văn bản. Em biết đọc diễn cảm bài đọc với  ngữ điệu nhẹ nhàng, tha thiết  diễn tả những tình tiết kì ảo.  Em hiểu được nội dung câu chuyện: Những hành động, việc làm của chú bé người đá trong câu chuyện thể hiện tình yêu đối với cuộc sống và con người.

00:51. Khởi động: Nào ta cùng hát:  Em yeu hòa bình
02:02 : Hoạt động Khởi động: Kể tên truyện cổ mà em đã đọc 
04:15. Yêu cầu cần đạt
05:09. Đọc văn bản : Tiếng hát của người đá
09:06. Hoạt động 1: Luyện đọc đúng
15:18. Hoạt động 2: Luyện đọc hiểu - Tìm hiểu bài
17:03. Câu 1.  Điều đặc biệt của mỏm đá trên đỉnh núi cao.
19:22. Câu 2. Mọi người được chứng kiến điều kì lạ khi em bé người đá cất tiếng hát .
21:14. Câu 3. Dân làng và em bé người đá đánh đuổi giặc. 
23:04. Câu 4.  Ước nguyện qua lời hát của em bé người đá.
24:54. Câu 5.  Nêu một kết thúc khác cho câu chuyện. 
26:43. Hoạt động 3: Luyện đọc lại 
27:41.  Hoạt động 4: Vận dụng sáng tạo
#Tiếnghátcủangườiđá , #Embéngườiđá , #TiếngViệt5Trang8, #TiếngViệt5Tuần19Bài1

VẺ ĐẸP CUỘC SỐNG 
TUẦN 19. BÀI 1. TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI ĐÁ (3 tiết) 
I. MỤC TIÊU 
Giúp HS: 
1. a. Đọc đúng và diễn cảm bài Tiếng hát của người đá, biết nhấn giọng ở những từ ngữ gợi hình ảnh đẹp, những câu văn diễn tả những tình tiết kì ảo. 
b. Nhận biết được nội dung chính của bài đọc: Những hành động, việc làm của chú bé người đá trong câu chuyện thể hiện tình yêu đối với cuộc sống và con người. Hiểu được những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp so sánh, nhân hoá,... góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của cuộc sống: thiên nhiên cũng như con người, đều góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp hơn. 
2. Nhận biết được sự khác nhau giữa câu đơn và câu ghép; vận dụng kiến thức đã học để thực hành tạo lập câu ghép, qua đó phát triển kĩ năng viết nói chung, kĩ năng tạo lập văn bản nói riêng. 
3. Nhận biết được cách viết bài văn tả người (biết cách lựa chọn chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật đặc điểm của người được tả như đặc điểm ngoại hình, hoạt động, sở trường,...). 
4. Biết yêu thiên nhiên, cảm nhận được vẻ đẹp kì diệu của cảnh vật thiên nhiên và mối 
quan hệ giữa thiên nhiên với cuộc sống của con người. 
II . CHUẨN BỊ 
1. Kiến thức 
– Truyện cổ, phương pháp đọc hiểu truyện cổ. 
―  Câu đơn và câu ghép. 
- Văn tả người, cách viết văn tả người. 
2. Phương tiện dạy học 
– Tranh ảnh minh hoạ bài đọc, tranh ảnh (sưu tầm) minh hoạ hình những ngọn núi, hòn đảo có hình dáng gợi liên tưởng thú vị. 
- Văn bản tả người, tranh ảnh (sưu tầm) về đặc điểm của người qua hội hoạ, điện ảnh, điêu khắc,... 
– Phiếu học tập về câu đơn, câu ghép (nếu có). 

III HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC 
TIẾT I . GIỚI THIỆU CHỦ ĐIỂM 
GV giới thiệu chủ điểm mới: Vẻ đẹp cuộc sống. GV chiếu tranh minh hoạ chủ điểm (hoặc nhắc HS quan sát tranh chủ điểm) và mời 2 – 3 em nêu nội dung tranh. Từ đó khái quát ý nghĩa của bức tranh: Bức tranh tượng trưng cho vẻ đẹp của cuộc sống: con người sống chan hoà với thiên nhiên. Trong cuộc sống thường ngày, nếu chúng ta chăm chú quan sát, sẽ cảm nhận được những vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người. Mỗi bài đọc trong chủ điểm Vẻ đẹp cuộc sống đã góp phần lưu giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp trong cảm xúc, hành động, việc làm của con người. 
1. Khởi động ĐỌC 
GV giới thiệu tên bài học và bài đọc. VD: Tiếng hát của người đá là câu chuyện cổ của dân tộc Ra-glai, do tác giả Ngọc Anh và Văn Lang kể lại, in trong tập Truyện cổ Việt Nam. Dân tộc Ra-glai là một trong số những dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời ở vùng đất Nam Trung Bộ và cuối dãy Trường Sơn. Có lẽ vùng Chư Bô-đa được nhắc tới trong câu chuyện là tên gọi trước đây của một địa bàn sinh sống của dân tộc Ra-glai (Ngày nay, địa bàn tập trung đông người Ra-glai nhất là tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận). Đây là câu chuyện thú vị, cảm động về một chú bé được hoá thân từ một mỏm đá hình người. Câu chuyện chứa đựng rất nhiều ý nghĩa để các em tìm hiểu, khám phá. 
– GV cho HS làm việc nhóm, thực hiện yêu cầu nêu ở hoạt động khởi động. 
− HS làm việc theo nhóm, từng em thực hiện yêu cầu: Kể tên 1 – 2 truyện cổ mà em đã đọc hoặc đã nghe. Nêu những chi tiết em thích (HS đã được đọc, được học nhiều câu chuyện cổ từ các lớp 2, 3, 4 và học kì I lớp 5, các em sẽ có nhiều điều để nói.). GV có thể nhấn mạnh điểm cuốn hút của truyện cổ chính là yếu tố kì ảo (hư cấu).  
- GV nhận xét các nhóm và nhấn mạnh: Câu chuyện Tiếng hát của người đá kể về những hành động, việc làm của chú bé người đá. Qua đó thể hiện tình yêu đối với cuộc sống và con người và những ước nguyện về cuộc sống hoà bình, không có cảnh đầu rơi máu đổ, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa. 

2. Đọc văn bản 
                                      BÀI 1. TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI ĐÁ 
Trên đỉnh núi cao ở vùng Chư Bô-đa, có một mỏm đá xanh giống hình một em bé cưỡi voi. Những tia nắng vàng dịu, những hạt mưa trong vắt thay nhau tắm gội, sưởi ấm cho mỏm đá. Gió rì rào kể cho mỏm đá nghe những câu chuyện về mọi miền. Chim hót cho mỏm đá nghe những điệu ca du dương. Cứ thế, năm này qua năm khác, những câu chuyện của gió, những bài ca của chim thấm sâu vào mỏm đá hình em bé.
   Một buổi sáng, mỏm đá khẽ cựa quậy, rồi từ từ biến thành một em bé xinh đẹp. Em bước xuống núi, thấy muông thú từng đàn kéo về phá nương rẫy, dân làng đuổi đằng đông, dồn đằng tây mà chẳng ăn thua gì. Em bé liền cất giọng hát. Tiếng hát của em vang khắp núi rừng. Muông thú quên cả phá lúa, nhảy múa theo tiếng hát. Dân làng vây quanh em bé, hỏi em từ đâu tới, tên em là gì, nhưng em chỉ cười. Mọi người đặt tên cho em là Nai Ngọc.
Ngày nọ, giặc kéo đến đông như lá rừng, nhanh như chớp giật, giáo mác chĩa lên trời tua tủa như bông lách, bông lau. Dân làng không kể trẻ già, trai gái vội cầm tên nỏ, khiên đao đuổi giặc. Bốn phương lửa cháy rừng rực. Nai Ngọc trèo lên một mỏm núi, cất tiếng hát kêu gọi những kẻ xâm lược chớ đi ăn cướp, hãy trở về với vợ con, đi hái rau ngọt, cắt lúa vàng, tối ngủ bên lửa ấm, sáng thức dậy theo mặt trời,... Giọng hát của Nai Ngọc khiến giặc đứng sững như những pho tượng, vũ khí tuột khỏi tay.
   Giặc tan, nhưng không thấy Nai Ngọc đâu. Dân làng bảo nhau rằng sau khi giúp dân trừ giặc, Nai Ngọc đã trở lên núi cao, biến thành đá như trước. Ai cũng tin rằng nhất định Nai Ngọc sẽ trở về với dân làng, cất tiếng hát giữa cảnh núi rừng thanh bình, tươi đẹp.
                                             (Theo Truyện cổ Việt Nam, Ngọc Anh và Văn Lang kể)

- GV đọc cả bài (hoặc 4 HS đọc nối tiếp 4 đoạn), đọc diễn cảm, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi vẻ đẹp của thiên nhiên, hành động, việc làm của người đá và dân làng. 
– GV hướng dẫn đọc: 
+ Đọc đúng các từ ngữ chứa tiếng dễ phát âm sai, VD: đỉnh núi, tia nắng, dân làng, bông lách, bông lau,... 
+ Đọc diễn cảm các câu có những từ ngữ gợi tả, điệp từ, điệp ngữ. 
VD: Những tia nắng vàng dịu, những hạt mưa trong vắt thay nhau tắm gội, sưởi ấm cho mỏm đá. Gió rì rào kể cho mỏm đá nghe những câu chuyện về mọi miền. Chim hót cho mỏm đá nghe những điệu ca du dương ; Ngày nọ, giặc kéo đến đông như lá rừng, nhanh như chớp giật, giáo mác chĩa lên trời tua tủa như bông lách, bông lau.;.. 
- HS làm việc theo cặp, đọc nối tiếp 4 đoạn, sau đó đổi đoạn để đọc. 
– GV nhận xét việc đọc diễn cảm của cả lớp. 
– HS làm việc cá nhân, đọc thầm toàn bài một lượt. 
– GV hỏi HS có từ ngữ nào trong câu chuyện mà các em chưa hiểu để tra từ điển (hoặc GV giải thích). 

3. Trả lời câu hỏi 
GV hướng dẫn HS trả lời lần lượt các câu hỏi trong SHS hoặc cho HS làm việc nhóm, cùng nhau trả lời cả 5 câu hỏi, sau đó tổ chức trình bày trước lớp. 
Câu 1. Mỏm đá trên đỉnh núi cao có gì đặc biệt? Mỏm đá được mọi vật yêu quý như thế nào? 
- GV hướng dẫn HS làm việc cá nhân, có thể viết câu trả lời vào vở, phiếu học tập hoặc vở bài tập (nếu có). 
− 2 − 3 HS trình bày ý kiến trước lớp. 
Đáp án: Mỏm đá xanh giống hình một em bé cưỡi voi. Mỏm đá được mọi vật yêu quý, chăm chút 
Nắng (những tia nắng vàng dịu)  : sưởi ấm cho mỏm đá 
Mưa (những hạt mưa trong vắt) : tắm gội cho mỏm đá 
Gió : rì rào kể cho mỏm đá nghe những câu chuyện về mọi miền
Chim : hót cho mỏm đá nghe những điệu ca du dương 
 
→ Cứ thế, năm này qua năm khác, những câu chuyện của gió, những bài ca của chim thấm sâu vào mỏm đá hình em bé. 
– GV có thể nêu thêm câu hỏi: 
- Theo em, tình yêu của mọi vật có ý nghĩa gì đối với mỏm đá trên đỉnh núi?
-  Sau khi HS phát biểu suy nghĩ riêng, GV có thể nói: Mỏm đá năm này qua năm khác được mưa nắng tắm gội, sưởi ấm, những câu chuyện của gió, những bài ca của chim thấm sâu. Tất cả mọi hành động đều thể hiện tình yêu của mọi vật (mưa, nắng, gió, chim muông,...) đối với mỏm đá, chẳng khác nào bà mẹ thiên nhiên “thổi hồn” vào mỏm đá, làm cho mỏm đá cảm động, hoá thành em bé xinh đẹp, tốt bụng, biết nói lời hay, ý đẹp. 


Câu 2. Chuyện gì xảy ra vào ngày mỏm đá hoá thành một em bé? Mọi người được chứng kiến điều gì kì lạ khi em bé người đá cất tiếng hát vang khắp núi rừng? 
– HS làm việc cá nhân hoặc làm việc theo cặp, chuẩn bị câu trả lời rồi đối chiếu câu trả lời theo cặp. 
- HS làm việc theo nhóm hoặc cả lớp, thống nhất đáp án, 
VD: Khi mỏm đá hoá thành một em bé, em bé liền bước xuống núi, đúng lúc muông thú từng đàn kéo về phá nương rẫy. 
+ Thấy dân làng đuổi đằng đông, dồn đằng tây mà chẳng được, em bé liền cất giọng hát. 
+ Tiếng hát của em vang khắp núi rừng. Mọi người được chứng kiến điều kì lạ: muông thú nhảy múa theo tiếng hát, quên cả phá lúa. 

Câu 3. Khi giặc kéo đến, dân làng và em bé người đá đã làm gì để đuổi giặc? 
HS làm việc cá nhân, sau đó đối chiếu câu trả lời theo nhóm. 
– HS làm việc chung cả lớp, một số em phát biểu ý kiến của mình. VD 
+ Khi giặc kéo đến đông như lá rừng, nhanh như chớp giật, dân làng đã chung sức, đồng lòng cầm vũ khí (tên nỏ, khiên đao) đuổi giặc. 
+Trước cảnh bốn phương lửa cháy rừng rực, em bé người đá đã trèo lên một mỏm núi, cất tiếng hát kêu gọi những kẻ xâm lược chở đi ăn cướp, hãy trở về với gia đình,... Lời hát của em bé người đá khiến giặc đứng sững như những pho tượng, vũ khí tuột khỏi tay. 

Câu 4. Theo em, lời hát của em bé người đã thể hiện ước nguyện gì của con người? 
– HS làm việc nhóm, thảo luận để tìm câu trả lời của nhóm. 
– HS làm việc chung cả lớp, một số đại diện nhóm phát biểu ý kiến. 
- GV khích lệ HS phát biểu theo suy luận của mình.
-  Khen ngợi các ý kiến có sức thuyết phục.
 VD Em bé người đá đã giúp dân làng đuổi giặc. Em trèo lên một mỏm núi, cất tiếng hát kêu gọi những kẻ xâm lược chớ đi ăn cướp, hãy trở về với vợ con, đi hái rau ngọt, cắt lúa vàng, tối ngủ bên lửa ấm, sáng thức dậy theo mặt trời,...
+  Lời hát của em bé người đá thể hiện ước nguyện của con người về một cuộc sống hoà bình.
+  Lời hát đó  thể hiện  mong ước mọi vật trên thê gian này sống hòa thuận, biết yêu thương nhau.
+  Lời hát đó  thể hiện  mong muốn con người hãy làm việc thiện, làm việc có ích cho đời, đừng thù hằn, đừng gây tội ác.
+  Lời hát đó  nói lên ước nguyện hãy làm những việc tử tế. Sống để yêu thương. Đừng có cảnh đầu rơi máu đổ, chính nghĩa luôn chiến thắng phi nghĩa. 
(GV có thể liên hệ với tiếng đàn đuổi giặc của Thạch Sanh.) 

Câu 5. Nêu một kết thúc khác cho câu chuyện theo mong muốn của em. 
— HS làm việc cá nhân hoặc làm việc theo nhóm: Nếu một kết thúc khác cho câu chuyện. 
– Từng HS nêu ý tưởng, có thể đưa ra nhiều cách kết thúc khác nhau. VD: 
+ Em bé người đá bay lên trời xanh. Mỗi khi đất nước gặp gian nguy, em bé người đá lại xuất hiện để giúp đỡ dân làng. 
+  Em bé người đá cùng tất cả muông thú và bà con dân làng nhảy múa. Họ sống hạnh phúc vui vẻ bên nhau.
+ Xúc động trước niềm mong nhớ khôn nguôi của dân làng, em bé người đá đã trở về sống cùng và giúp đỡ dân làng. 
+ Quê hương đã thanh bình. Muông thú hát ca. Người dân đâu đâu cũng vui  cười. Bỗng một luồng sét sáng lóa đã đưa chú bé người đá  biến sâu vào trong  mỏm đá.

+... 
– GV khích lệ và khen ngợi những HS đã nêu được câu trả lời có ý nghĩa sâu sắc. 
 
Những hành động, việc làm của chú bé người đá trong câu chuyện thể hiện tình yêu đối với cuộc sống và con người. Hiểu được những từ ngữ hình ảnh, biện pháp so sánh, nhân hóa, …. góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của cuộc sống: thiên nhiên cũng như con người, đều góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp hơn.

4. Luyện đọc lại 
GV hướng dẫn HS đọc diễn cảm một số chi tiết trong bài đọc. 
– Làm việc chung cả lớp (4 HS đọc nối tiếp các đoạn trước lớp, nếu còn thời gian). GV và cả lớp góp ý cách đọc diễn cảm. 
– Làm việc cá nhân, HS tự đọc toàn bài.