Hải Phòng nghiêm cấm ép buộc học sinh tham gia học thêm, học liên kết giáo dục
Đó là nội dung chỉ đạo trọng tâm của UBND thành phố tại Công văn số 2253 về việc tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, hoạt động liên kết giáo dục trong các trường công lập trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thời gian qua, việc tổ chức dạy thêm, học thêm; liên kết giáo dục (dạy học ngoại ngữ, dạy học ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, tin học, kỹ năng sống, giáo dục STEM, toán tư duy, trải nghiệm, hướng nghiệp…) tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (cơ sở giáo dục) trên địa bàn thành phố đã được các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, quản lý, bảo đảm theo quy định và đáp ứng nhu cầu tiếp cận các dịch vụ giáo dục ngoài chương trình chính khóa của người học, góp phần giáo dục toàn diện cho người học.
Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn có hạn chế; tính thiết thực và hiệu quả chưa cao; có lúc, có nơi còn có biểu hiện “ép buộc” người học, tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây quá tải với học sinh và bức xúc trong phụ huynh.
Việc học thêm, liên kết giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc theo nhu cầu, tự nguyện của học sinh và gia đình.
Để việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập phát huy hiệu quả thực chất, được sự đồng thuận cao của học sinh và cha mẹ học sinh, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị (Đơn vị) liên quan theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện thường xuyên, nghiêm túc ý kiến của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 6779-CV/VPTU; của UBND thành phố tại Công văn số 2377/UBND-VX về việc chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học.
Các Đơn vị tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, bảo đảm nguyên tắc theo nhu cầu, tự nguyện của người học và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh tham gia học. Nâng cao trách nhiệm công khai, giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục với học sinh, phụ huynh và xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm đối với những trường hợp thực hiện sai quy định và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vi phạm.
Trong trường hợp, khi phát hiện cơ sở giáo dục, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật hoặc tạo ra dư luận xã hội không tốt, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh, theo thẩm quyền, có thể yêu cầu các cơ sở giáo dục chấm dứt việc tổ chức dạy học liên kết để thực hiện thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động; không để xảy ra điểm nóng về dư luận xã hội và bức xúc trong học sinh và cha mẹ học sinh./.