Tài liệu tập huấn Giảng dạy sách giáo khoa Lớp 5 Bộ sách Kết nối Môn Lịch sử và Địa lí
Môn Lịch sử và Địa lí 5 hình thành và phát triển ở HS năng lực lịch sử và địa lí, biểu hiện đặc thù của năng lực khoa học với các thành phần: nhận thức khoa học lịch sử và địa lí; tìm hiểu lịch sử và địa lí; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học

 

1. Quan điểm biên soạn sách Lịch sử và Địa lí 5
– Bảo đảm tính khoa học, đồng thời đảm bảo tính vừa sức với HS Nội dung biên soạn phải đảm bảo tính khoa học, tính chính xác của khoa học Lịch sử, Địa lí, bám sát nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình Lịch sử và Địa lí cấp Tiểu học nói chung và Chương trình Lịch sử và Địa lí lớp 5 nói riêng, được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018. Tuy vậy, những kiến thức cung cấp cho HS lớp 5 được lựa chọn phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và trình độ nhận thức của HS. Có những nội dung chỉ đưa ra cho HS chấp nhận mà không giải thích, chứng minh.
– Hướng vào việc hình thành các năng lực chung và năng lực đặc thù của Lịch sử và Địa lí cho HS  + Một số năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
+ Một số năng lực đặc thù của Lịch sử: Tìm hiểu lịch sử; nhận thức khoa học lịch sử; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tế.
+ Một số năng lực đặc thù của Địa lí: Nhận thức khoa học địa lí; tìm hiểu địa lí; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tế.
– Hướng đến việc phát triển năm phẩm chất cho HS Môn Lịch sử và Địa lí lớp 5 giúp HS khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; tôn trọng sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
– Tăng tính thực tiễn
Tăng cường gắn nội dung môn học với thực tiễn, nhằm rèn luyện cho HS năng lực vận dụng tri thức lịch sử – địa lí vào thực tiễn để hiểu sâu hơn kiến thức đã học và giải quyết một số vấn đề của thực tiễn ở mức độ đơn giản.
– Chú trọng đổi mới phương pháp dạy của GV và phương pháp học của HS SGK được biên soạn theo hướng tạo điều kiện để GV tổ chức các hoạt động học tập của HS. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức, SGK cũng chú trọng đến cách thức làm việc để HS có thể tự khám phá, lĩnh hội kiến thức.2.1.2. Giới thiệu cấu trúc sách, cấu trúc bài học 

2. Cấu trúc sách và kế hoạch dạy học Lịch sử và Địa lí 5
SGK Lịch sử và Địa lí 5 được biên soạn theo CTGDPT năm 2018 do Bộ GD&ĐTban hành, bao gồm 6 chủ đề với 29 bài học. Trong đó, chủ đề 1 tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam; chủ đề 2 và 3 tìm hiểu về quá trình dựng nước, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam; chủ đề 4, 5 và 6 tìm hiểu về thế giới. Trong mỗi chủ đề có 3 – 11 bài học, tuỳ theo nội dung của yêu cầu cần đạt trong chương trình mà mỗi bài học có thể từ 2 – 5 tiết. Nội dung lí thuyết và thực hành được thiết kế lồng ghép, các nội dung thực hành được tích hợp trong các bài học.
Cuối sách có phần giải thích khái niệm, thuật ngữ giúp HS và GV có thể tìm hiểu, tra cứu thêm về các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong sách. 
Mỗi bài học có cấu trúc gồm bốn phần: khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng; tuân thủ theo hướng dẫn cấu trúc bài học ở Thông tư 33.
– Khởi động: Phần khởi động thường đặt ra các câu hỏi, các vấn đề có liên quan đến nội dung bài học. Mục đích của hoạt động này là định hướng hoạt động nhận thức, khơi gợi hứng thú của HS. Đồng thời, tạo điều kiện để HS chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm đã có về những vấn đề được nêu ra trong bài học. Từ đó, GV kết nối những điều HS đã biết với kiến thức mới.
– Khám phá: Phần khám phá nhằm tạo điều kiện cho HS khám phá kiến thức mới, nội dung của chương trình được thể hiện một cách đồng bộ trên cả kênh chữ và kênh hình.
Kênh hình trong SGK (bản đồ, hình ảnh, hình vẽ,...) là một phần không thể thiếu của nội dung bài học, giúp hình thành và phát triển ở HS khả năng quan sát, tưởng tượ ng, tư duy và ngôn ngữ . HS quan sá t hì nh ả nh và sử dụ ng vố n kiế n thứ c sẵn có để phụ c vụ bà i họ c, tạo hứng thú hơn trong học tập.
Trong phần khám phá, ở mỗi mục đều có các câu hỏi gợi ý để GV hướng dẫn HS khai thác, lĩnh hội kiến thức. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để HS có thể tự tiếp cận, khai thác kiến thức qua việc trả lời các câu hỏi đó. Ngoài các nội dung chính, còn có các nội dung bổ trợ liên quan đến nội dung chính, nhằm mở rộng kiến thức cho HS qua mục “Em có biết”. Những nội dung này không yêu cầu GV phải dạy nên cũng không làm nặng thêm nội dung bài học.
– Luyện tập: Phần này bao gồm những câu hỏi, bài tập HS cần trả lời, hoàn thành ngay trên lớp, qua đó giúp HS củng cố kiến thức mới học và rèn luyện kĩ năng, đồng thời qua đó GV cũng biết được mức độ nắm vững kiến thức và kĩ năng của HS.
– Vận dụng: Phần này giúp HS vận dụng kiến thức đã học, kĩ năng đã hình thành vào tình huống mới trong học tập, vào thực tiễn để hiểu sâu sắc hơn nội dung đã học hoặc để giải quyết một số vấn đề thường gặp trong cuộc sống ở mức độ đơn giản.

3. Những điểm nổi bật, điểm mới về nội dung sách Lịch sử và Địa lí 5

a) Điểm nổi bật
– Cấu trúc, nội dung SGK Lịch sử và Địa lí 5 là sự kế thừa và tiếp nối cấu trúc, nội dung ở môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3, Lịch sử và Địa lí lớp 4 cũng như bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình môn Lịch sử và Địa lí 2018 (lớp 5).
– Môn Lịch sử và Địa lí 5 được biên soạn nhằm hình thành, phát triển ở HS năng lực lịch sử và năng lực địa lí trên nền tảng kiến thức cơ bản, có chọn lọc về lịch sử, địa lí Việt Nam và thế giới; giúp HS biết cách sử dụng các công cụ của khoa học Lịch sử, khoa học Địa lí để học tập và vận dụng vào thực tiễn; đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở HS các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, thái độ tôn trọng sự đa dạng của văn hoá các châu lục và quốc gia trên thế giới, sự khác biệt chủng tộc, khơi dậy ở HS ước muốn khám phá lịch sử, địa lí, văn hoá dân tộc và thế giới.
– Nội dung thông tin được cung cấp ngắn gọn, cơ bản, phần còn lại là các tư liệu, lược đồ, tranh ảnh,... Đầu mỗi mục là các các câu hỏi/bài tập, dựa vào đó GV có thể tổ chức các hoạt động nhận thức cho HS. Trên cơ sở đó các em sẽ chủ động hơn trong việc tự rút ra kiến thức, tự thực hành và vận dụng kiến thức hoặc liên hệ với cuộc sống, không bị động lĩnh hội những kiến thức có tính bắt buộc từ SGK hay do GV cung cấp như trước đây. Nhờ đó, góp phần hình thành và phát triển năng lực độc lập tìm hiểu tri thức và năng lực nhận thức khoa học ở HS.
– Sách được thiết kế 4 màu rất đẹp. Hệ thống kênh hình phong phú, sinh động, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, là nguồn học liệu quan trọng giúp đổi mới phương pháp dạy – học theo định hướng phát triển năng lực.

b) Điểm mới
– Nội dung SGK Lịch sử và Địa lí 5 – Kết nối tri thức với cuộc sống đã thể hiện đầy đủ nội dung và bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình môn Lịch sử – Địa lí 2018.
– SGK Lịch sử và Địa lí lớp 5 theo Chương trình năm 2018 tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam, những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam, xây dựng vào bảo vệ đất nước Việt Nam, các nước láng giềng của Việt Nam, tìm hiểu thế giới và chung tay xây dựng thế giới.
– Tính tích hợp giữa Lịch sử và Địa lí được thể hiện chặt chẽ: các kiến thức lịch sử và địa lí được tích hợp trong các chủ đề địa phương và các vùng của Việt Nam. Các kiến thức lịch sử được gắn chặt trong không gian địa lí của địa phương và các vùng miền.
– Khi trình bày về các tri thức lịch sử, các tác giả không chú trọng về diễn biến với những mốc thời gian chi tiết, khó nhớ mà được thiết kế rất ngắn gọn, dễ hiểu dưới dạng sơ đồ, trục thời gian. Một số nội dung được trình bày theo lối dẫn chuyện hoặc kể chuyện lịch sử giúp HS có biểu tượng sinh động, dễ nhớ hơn về một sự kiện, nội dung lịch sử; từ đó, HS có ấn tượng sâu sắc hơn về bài học, yêu thích hơn với môn học.
– Nội dung Địa lí không đi vào trình bày chi tiết các đặc điểm tự nhiên, dân cư – xã hội của Việt Nam và các châu lục, một số quốc gia láng giềng mà chỉ lựa chọn một số kiến thức địa lí tiêu biểu, đặc trưng giúp cho mỗi bài học trở nên vừa sức về kiến thức, góp phần đổi mới PPDH và hình thức kiểm tra đánh giá cho HS.
– Nội dung được thể hiện trực quan, sinh động thông qua hệ thống bảng, lược đồ, hình ảnh,... tạo điều kiện để HS tự khám phá tìm ra tri thức, GV có thể sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác nhau.

Nhấn vào đây để tải về:
- Link tải từ Drive :  Tài liệu tập huấn Giảng dạy sách giáo khoa Lớp 5 Bộ sách Kết nối  Môn Lịch sử và Địa lí
- Link tải từ Mediafire : Tài liệu tập huấn Giảng dạy sách giáo khoa Lớp 5 Bộ sách Kết nối  Môn Lịch sử và Địa lí