Tài liệu tập huấn Giảng dạy sách giáo khoa Lớp 5 Bộ sách Kết nối Môn Đạo đức
Theo chương trình GDPT môn GDCD 2018, chương trình môn Đạo đức gồm 08 chủ đề/lớp, xoay quanh 04 mạch nội dung giáo dục. Môn Đạo đức được dạy trong 35 tiết, trong đó: 08 chủ đề được dạy trong 31 tiết (90%), 04 tiết còn lại (10%) dành cho kiểm tra, đánh giá. Tính mở của chương trình cho phép GV và nhà trường phân bổ số tiết dạy linh hoạt, không nhất thiết phải trải đều cả 35 tuần với yêu cầu đảm bảo đủ thời lượng và các yêu cầu cần đạt của môn học.

1. Cấu trúc sách và cấu trúc bài học
* Cấu trúc sách
SGK Đạo đức 5 được cấu trúc theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT gồm các phần: 
1/ Hướng dẫn sử dụng sách; 
2/ Lời nói đầu;
 3/ Mục lục; 
4/ Chủ đề/bài học;
5/ Giải thích thuật ngữ.
* Cấu trúc bài học
Cấu trúc bài học Đạo đức dựa trên tiến trình nhận thức của HS, từ việc Nhận biết đến Thấu hiểu, Tin tưởng và Hành động; tuân thủ quy trình dạy học trải nghiệm: Từ kinh nghiệm rời rạc – Quan sát phản tỉnh – Nhận thức mới – Thử nghiệm, vận dụng tích cực.
Mỗi bài học được thiết kế thống nhất gồm các hoạt động:
1/ Khởi động: Tạo tâm thế, khơi gợi suy nghĩ, hứng thú của HS để vào bài mới thông qua trò chơi, bài hát, chia sẻ trải nghiệm,...
2/ Khám phá: Hình thành, phát triển ở HS những hiểu biết về chuẩn mực hành vi và sự cần thiết phải thực hiện theo các chuẩn mực đó.
3/ Luyện tập: Củng cố kiến thức, kĩ năng vừa khám phá, rèn luyện kĩ năng nhằm điều chỉnh ý thức, hành vi của bản thân.
4/ Vận dụng: Nhằm ứng dụng tri thức vào giải quyết những vấn đề cụ thể trong thực tiễn cuộc sống.
Kết thúc chuỗi hoạt động là một thông điệp nhỏ bằng văn vần, nhắc nhở HS ghi nhớ chuẩn mực hành vi vừa học.


2. Những điểm mới, ưu điểm nổi bật của sách giáo khoa Đạo đức 5
a)  Kế thừa: 
SGK Đạo đức 5 mới kế thừa những ưu điểm của sách Đạo đức cũ, phù hợp với truyền thống văn hoá, lịch sử, địa lí, đạo đức và thuần phong mĩ tục Việt Nam. Nội dung sách đảm bảo tính khoa học, gần gũi với cuộc sống và nhẹ nhàng, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của HS lớp 5,... Trên cơ sở kế thừa những ưu điểm đó, sách chú trọng vào việc rèn luyện kĩ năng, vận dụng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống nhằm hướng tới phát huy vai trò chủ động của người học. Điều này phù hợp với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho HS của Chương trình GDPT năm 2018. Việc biên soạn SGK Đạo đức còn được dựa trên việc kế thừa kinh nghiệm quốc tế về biên soạn SGK theo định hướng phát triển năng lực.


b) Tinh giản, thiết thực: 
Sách thiết kế bám sát những yêu cầu cần đạt của chương trình, xoay quanh các mạch giáo dục: giáo dục đạo đức, giáo dục kinh tế, giáo dục kĩ năng sống; phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí và trải nghiệm của HS lớp 5, mang  hơi thở của cuộc sống, giúp HS ứng dụng để giải quyết những vấn đề thực tiễn gần gũi như: Biết ơn người có công với quê hương đất nước,...
c) Tích hợp: 
Đây là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại: 
1/ Tích hợp nội môn: Mỗi bài học có sự lồng ghép, tích hợp nhuần nhuyễn giữa các mạch nội dung giáo dục;
2/ Tích hợp liên môn: vẽ tranh, hát, đọc truyện, hoạt động trải nghiệm,... Điều này giúp cho các hoạt động thiết kế trong SGK môn Đạo đức lớp 5 phong phú, sinh động, hấp dẫn hơn đồng thời có sự hỗ trợ, tương tác nhau giữa các môn học về nguồn ngữ liệu và hoạt động dạy học.
d) Phân hoá, đa dạng: 
Sách được thiết kế chú trọng yêu cầu dạy học phân hoá theo năng lực HS; đảm bảo tính đa dạng vùng miền và sự cân bằng về giới, chuỗi hoạt động trong mỗi bài học được thiết kế từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với sự khácnhau về trình độ năng lực của mỗi HS.
e)  Sáng tạo:
– Đối với GV: Các hoạt động trong sách mang tính mở, tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo, giúp GV phối hợp nhiều phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS sao cho phù hợp với điều kiện của trường, lớp, vùng miền,...
– Đối với HS: Sách gợi ý tổ chức các hoạt động để HS tự giác, tích cực phát hiện và chiếm lĩnh tri thức, phát huy năng lực bản thân với nhiều hoạt động học tập phong phú, đa dạng: quan sát tranh, nghe/đọc/kể chuyện, thảo luận nhóm, chơi trò chơi, đóng vai, xử lí tình huống,...
g) Sinh động, hấp dẫn: 
Sách thể hiện sinh động, hấp dẫn những yêu cầu cần đạt của chương trình môn Đạo đức 5: Hoạt động Khởi động đa dạng, phong phú qua bài hát, trò chơi, hình ảnh, chia sẻ trải nghiệm,... khơi dậy hứng thú, khát khao học tập của HS. Hoạt động Khám phá bắt đầu bằng những câu chuyện, tình huống, hình ảnh,... đánh thức được xúc cảm, sự rung động trong tâm hồn HS. Hoạt động Luyện tập với các tình huống phong phú, đa dạng, gần gũi, tạo hứng thú học tập cho HS. Hình thức trình bày sách hấp dẫn với tranh ảnh 4 màu đẹp, minh hoạ sinh động các nội dung giáo dục, kích thích sự ham học, trí tò mò và tư duy sáng tạo của HS. Điều đó giúp cho việc học môn Đạo đức trở thành một hành trình học hỏi trong chuỗi hoạt động sôi nổi, thú vị, hấp dẫn và hiệu quả.
h)  Hiện đại: 
Với tất cả những ưu điểm nổi bật trên, SGK Đạo đức 5 đã thể hiện sinh động triết lí của NXBGDVN “Chuẩn mực − Khoa học − Hiện đại”. Nội dung sách đảm bảo tính khoa học, gần gũi với cuộc sống, nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp với năng lực của HS lớp 5. SGK Đạo đức 5 là phương tiện giúp GV đổi mới phương pháp, tổ chức thành công quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của HS. SGK cũng là phương tiện xã hội hoá giáo dục, kết nối cha mẹ vào quá trình giáo dục và tạo điều kiện cho con thực hiện chuẩn hành vi ở nhà, đánh giá và phản hồi với GV.

Nhấn vào đây để tải về:
- Link tải từ Drive :  Tài liệu tập huấn Giảng dạy sách giáo khoa Lớp 5 Bộ sách Kết nối Môn Đạo đức
- Link tải từ Mediafire : Tài liệu tập huấn Giảng dạy sách giáo khoa Lớp 5 Bộ sách Kết nối Môn Đạo đức