Bàn về bài thơ hay " Tiếng hạt nảy mầm " của sách Tiếng Việt 5
Hôm nay, lao xao chuyện chê bai xỉa xói bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" in trong sách Tiếng Việt lớp 5 bộ sách kết nối tri thức với cuộc sống. 

1. Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" của tác giả Tô Hà (tên thật là Lê Duy Chiểu, quê H. Thường Tín - Hà Tây, nguyên trưởng ban biên tập báo Hà Nội mới. Ông sinh 1939 và mất năm 1991 vì bệnh suy thận). BÀI THƠ RA ĐỜI THÁNG 6.1974 và được in năm 1978, trong tập "Hương cỏ mặt trời"
Tác giả Tô Hà kể về 1 LỚP HỌC KHIẾM THÍNH, với âm thanh mà các em có thể "nghe" chỉ là ký hiệu từ bàn tay cô giáo: "Đôi tay cô cụp mở/ Báo tưng bừng thanh âm". 
Với những học sinh ấy, đó là những âm thanh sống động, 
"Là tiếng hạt nảy mầm
 Tiếng lá động trong vườn
 Tiếng sớm mai mẹ gọi''. 
Và cô giáo còn gợi mở trước mắt học sinh một thế giới muôn vẻ, có
 "Tiếng cuộc đời sâu vợi
 Con tàu biển buông neo
 Ngôi sao mọc rừng chiều
 Vó ngựa ran vách đá".
Từ đó, tác giả tôn vinh, tri ân những nỗ lực của giáo viên trong việc mang tri thức tới cho trẻ khuyết tật: 
''Bao nghĩ suy vất vả
 Trong mắt người lo toan
 Để từng âm có nghĩa
 Bật lên từ môi em"....

2. "Tiếng hạt nảy mầm" là một bài thơ đẹp, trong sáng, có ý nghĩa.
Sự trong sáng nằm trong tính nhân văn của quan hệ cô giáo - học sinh khiếm thính. 
Vẻ đẹp ở việc sử dụng nhiều từ tượng thanh - tượng hình, biểu cảm đặc biệt, ít dùng trong giao tiếp đời thường (ánh ỏi, sâu vợi, ran, cười rưng rưng, lặng chăm...), tạo điểm nhấn chủ đạo, thu hút chú ý, không khiên cưỡng, làm màu - phông bạt. 
Bài thơ rất tự nhiên, bởi tác giả đặt mình vào vị trí trẻ khuyết tật, để cảm nhận sự truyền đạt ngôn ngữ ký hiệu, tạo thành thể thức tiếp thu hoàn toàn khác với việc phát âm.   
Việc sử dụng từ ngữ trong bài thơ, là một thành công, và chỉ khi chạm vào ngôn ngữ ký hiệu, mới thấm hiểu sự thành công, cũng như thông điệp của tác giả.

3. Bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" được chụp trang sách lớp 5, đưa lên MXH, với lời cảm thán "Ối giời ôi cứu tôi! Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao: Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi"...
Ngay sau đó, status này nhận được hàng trăm lượt share, vài ngàn comment và chủ yếu là phản đối, mắng chửi tác giả bài thơ cũng như cách dùng từ, nhất là từ "ánh ỏi".

4. Gõ tra google, có ngay kết quả: "Ánh ỏi" là tính từ (tiếng, giọng) ngân vang và hơi chói tai; ví dụ: tiếng chim hót ánh ỏi, ve kêu ánh ỏi; từ đồng nghĩa: lảnh lót.

5. Hỏi một số giáo viên về chuyện này, 5 người thì hầu hết  lắc đầu "giáo án không nói, nên chịu" và hỏi lại mình. Khi mình đưa từ điển về "ánh ỏi", các cô thắc mắc: "Sao không dùng các từ cũ, như lảnh lót, lanh lảnh, đọc xuôi hơn?".
Một số còn phản ứng: Từ trước đến giờ chỉ biết đến từ "óng ả", chịu không biết "ánh ỏi" là gì?. Nhà thơ mới, sáng tạo khó quá...
Ối giồi ôi! Thơ người ta viết từ năm 1974, từ "ánh ỏi" ấy ra đời khi bố mẹ của các mẹ còn là hạt cát, mới gì mà mới?.
6. Trong văn học nghệ thuật, việc dùng từ rất quan trọng. Sự hay và độc đáo ở "Tiếng hạt nảy mầm", không chỉ dùng ngôn từ đắt, mà đã thay thế từ quen thuộc bình dân bằng 1 từ đồng nghĩa mới (lanh lảnh - ánh ỏi), khơi gợi cả âm thanh hình ảnh. 
Có lẽ vì thế, mà bài thơ, dù viết từ năm 1974, vẫn được hội đồng biên soạn tuyển chọn, đưa vào sách giáo khoa lớp 5. 
7. Mục đích của việc dạy học, không chỉ đơn giản là việc truyền thụ kiến thức, mà quan trọng hơn là gợi mở - khuyến khích việc tìm hiểu, khám phá và phát triển, từ những kiến thức nền đã có. 
Chúng ta là những con người. Mà con người thì rất tò mò và hay ý kiến. Từ khi bé đến lúc lớn, chúng ta không ngừng nghỉ hỏi: "Tại sao thế này? Tại sao thế kia? Tại sao anh nói khác tôi? Tại sao cô làm không giống tôi?"... trước những thứ chưa quen thuộc với ta - ta chưa tiếp thu được với nó, và khi được giải đáp, mới thấy những điều mình thắc mắc, là bình thường. 
Bản chất của những việc ấy là nhận thức, kết quả của quá trình tiếp thu - học hỏi - tìm hiểu, để có kiến thức trong đầu. 
Con người ta, nếu được dạy dỗ, học hành thì những điều xa lạ sẽ trở thành quen thuộc. Tiếp thu và học hỏi, luôn là điều cần thiết.
8. Chúng ta, ở thời đại 4.0 và trí tuệ nhân tạo Al. Thế nhưng, chúng ta có chịu học hỏi không? Ngay 1 thao tác sơ đẳng, đơn giản là gõ hỏi google xem nghĩa của từ "ánh ỏi" và bài thơ viết khi nào... chúng ta cũng không chịu tìm, thì chúng ta học được gì?.