Đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về câu chuyện Sự tích cây vú sữa
Chào thầy cô và các bạn
Đây là đoạn văn minh họa của bạn Đồng Văn Tiến - Lớp 5A6 - Trường Tiểu học Kiền Bái, TN, Hải Phòng. Bạn đã viết cảm xúc của mình về câu chuyện “ Sự tích cây vú sữa” mà bạn đã được nghe kể. Đoạn văn của bạn viết đạt yêu cầu bố cục của dạng bài này. Bạn đã viết ngắn gọn nhưng trong các câu văn luôn chứa các suy nghĩ, phát biểu quan điểm, cách nghĩ, cách cảm nhận cái hay, cái đẹp của câu chuyện. Đây là dạng bài không mới chỉ ôn lại lớp 3 và lớp 4 đã học nhưng lên lớp 5 đòi hỏi cao hơn, dài hơn, thể hiện được những quan điểm riêng của mình khi đọc một câu chuyện. Thầy cô và các bạn hãy tham khảo nhé
Tìm ý cho đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc câu chuyện “ Sự tích cây vú sữa”.
Đề bài: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện em đã đọc, đã nghe.
a) Mở đầu: - Hồi bé được nghe : " Sự tích cây vú sữa" . Rất thích. nhớ mãi.
b) Phát triển: - Có hai mẹ con nhà nghèo. Cậu bé được mẹ chiều chộng, cậu ham chơi.
- Cảm thấy buồn: việc nghịch dại, mẹ mắng, cậu bỏ nhà ra đi.
- Lo lắng cho : Đói, không nơi nào cho chơi.
- Thương cho bà mẹ: Ở nhà, nhớ con, bà mẹ khóc nhiều hóa thành cây
- Cảm động với: Cậu bé về nhà không thấy mẹ, ôm cây khóc. Cây cảm động xòe lá ôm lấy cậu bé
c) Kết thúc: - Câu chuyện về lòng hiếu thảo . Khuyên đối xử tốt với cha mẹ.
Bài làm minh họa
Tuổi thơ của em được đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích của bà của mẹ. Có một câu chuyện mà hình như tối nào em cũng muốn bà thủ thỉ kể cho em nghe trước khi đi ngủ đó là câu chuyện " Sự tích cây vú sữa". Câu chuyện này thật giản dị, gần gũi em mãi không quên. Câu chuyện kể về hai mẹ con nhà kia. Vì mẹ quá yêu chiều cậu bé, nên cậu bé sinh hư. Cậu bỏ nhà đi để bà mẹ nhớ con khóc mỏi mòn rồi hóa thành cây vú sữa. Câu chuyện hấp dẫn từ chi tiết đầu đến chi tiết cuối. Em thích nhất chi tiết cậu bé lấy đá ném vào chuồng vịt làm trứng vịt vỡ, bị người ta đuổi cậu bỏ chạy bạt mạng. Trong câu chuyện, em cảm thấy buồn khi nghe đến chỗ cậu bé nghịch dại, bị mẹ mắng, rồi cậu bỏ nhà ra đi. Em có lúc lo lắng cho cậu không biết mải chơi như vậy, khi đói, không nơi nào cho chơi, lấy gì để ăn nhỉ. Nghe đến đoạn bà mẹ cậu bé thương nhớ con, ở nhà, bà mẹ khóc nhiều , nước mắt chảy thành dòng, bà mẹ héo tàn dần hóa thành cây vú sữa. Và chắc ai đọc câu chuyện này đều cảm động phần kết thúc câu chuyện khi cậu bé về nhà không thấy mẹ đâu, cậu ôm cây khóc. Cây cảm động xòe lá ôm lấy cậu bé. Em bây giờ mới hiểu ý nghĩa sâu xa của lời hát trong câu chuyện: " Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ" . Mỗi lần nghĩ tới mẹ em, em lại nhớ đến câu chuyện này. Câu chuyện thật hay và ý nghĩa. Nó như một bài học đầu đời của em luôn nhắc em sống tốt, sống hiểu thảo với cha mẹ. Các bạn ơi, ai có mẹ đừng làm mẹ khóc nhé!
Bài làm của Đồng Văn Tiến - Lớp 5A6 - Trường Tiểu học Kiền Bái