Đường quê Đồng Tháp Mười | Tiếng Việt 5 Tuần 25 Bài 14 Sách Kết nối Trang 66
Đường quê Đồng Tháp Mười - Đây là một bài thơ hay của tác giả Trần Quốc Toàn được chọn dạy trong tiết 1+ 2 của Bài 14 Tuần 25 Sách Tiếng Việt 5 Tập 2 Sách Kết nối tri thức có trên kênh Tư liệu Tiệu học. Bài giảng này thuộc chủ điểm : Hương sắc trăm miền. Qua bài thơ Đường quê Đồng Tháp Mười trang 666 giúp em rèn đọc, biết đọc đúng từ ngữ, câu, đoạn và toàn bộ bài thơ . Em biết nhấn giọng ở những từ ngữ thể hiện ngạc nhiên, thích thú trước không gian, nhịp sống nơi đây. Qua bài thơ, em hiểu thêm về cuộc sống, sinh hoạt, niềm vui mang màu sắc riêng của vùng sông nước Đồng Tháp Mười
00:46. Khởi động lớp học: Video: Về với Đồng Tháp Mười
02:26 . Hoạt động Khởi động: Chia sẻ những điều em biết về vùng đất Đồng Tháp Mười.
03:34. Yêu cầu cần đạt
04:40. Đọc văn bản : Đường quê Đồng Tháp Mười ( Trần Quốc Toàn)
05:52. Hoạt động 1: Luyện đọc đúng
11:08. Hoạt động 2: Luyện đọc hiểu - Tìm hiểu bài
11:59. Câu 1. Đường về quê thú vị qua cảm nhận của bạn nhỏ
13:04. Câu 2. Những nét đẹp riêng của vùng Đồng Tháp Mười
14:30. Câu 3. Nhịp sống ở Đồng Tháp Mười rất sôi động, náo nức.
15:49. Câu 4. Điều bạn nhỏ muốn nói về quê hương mình
17:15. Câu 5. Hình ảnh nào ở miền quê gợi nhớ những câu chuyện cổ tích
18:33. Hoạt động 3: Luyện đọc lại
20:06. Hoạt động 4: Luyện tập theo văn bản. Bài 1. Các từ ngữ miêu tả cảnh vật
21:25. Bài 2. Tìm những hình ảnh so sánh, nhân hoá trong bài thơ.
23:21. Hoạt động 5: Vận dụng sáng tạo
#ĐườngquêĐồngThápMười , #TiếngViệt5Trang66, #TiếngViệt5Tuần25Bài14
Bài 14. ĐƯỜNG QUÊ ĐỒNG THÁP MƯỜI (4 tiết)
I. MỤC TIÊU
Giúp HS
1. a. Đọc đúng và diễn cảm bài thơ Đường quê Đồng Tháp Mười, biết nhấn giọng ở những từ ngữ quan trọng, thể hiện cảm giác ngạc nhiên, thích thú trước không gian, nhịp sống có màu sắc riêng của vùng Đồng Tháp Mười.
b. Hiểu nghĩa của từ ngữ có sức gợi tả, cảm nhận được hình ảnh gợi lên vẻ đẹp riêng của cuộc sống và tâm hồn con người vùng Đồng Tháp Mười. Cuộc sống của họ gắn bó với sông nước, kênh rạch. Nhận biết được nội dung chính của bài đọc: Người dân vùng Đồng Tháp Mười có cuộc sống, sinh hoạt, niềm vui mang màu sắc riêng của vùng sông nước bao đời nay.
c. Đọc mở rộng: Tìm đọc được văn bản thông tin về di tích, lễ hội hoặc các sản vật độc đáo ở một địa phương, biết viết phiếu đọc sách và chia sẻ thông tin về nội dung đã đọc. 2. Viết được chương trình hoạt động theo đúng yêu cầu, biết trình bày biểu bảng trong bản chương trình.
3. Biết thể hiện tình cảm, cảm xúc, niềm tự hào về vẻ đẹp riêng của mỗi vùng miền trên đất nước ta.
II. CHUẨN BỊ
1. Kiến thức
Phương pháp đọc hiểu văn bản thơ
– Cách viết chương trình hoạt động.
2. Phương tiện dạy học
— Tranh ảnh về vùng đất Đồng Tháp Mười, tư liệu viết về Đồng Tháp Mười. – Một số bản chương trình hoạt động (nếu có).
III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
ÔN BÀI CŨ
- GV mời 2 – 3 HS đọc nối tiếp bài Đàn t’rung – tiếng ca đại ngàn và trả lời 1 – 2 câu hỏi đọc hiểu cuối bài (hoặc nêu câu hỏi khác, VD: Em cảm nhận được những nét đẹp nào của cuộc sống người dân Tây Nguyên qua bài đọc Đàn t’rung – tiếng ca đại ngàn?).
1. Khởi động
– GV nêu tên bài học và giao nhiệm vụ: Chia sẻ những điều em biết về vùng đất Đồng Tháp Mười.
- Tháp Mười là một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.
- Đồng Tháp Mười là tên gọi của phần trong lãnh thổ Việt Nam của một vùng đất ngập nước phía đông sông Tiền ven biên giới Việt Nam - Campuchia, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp mà trung tâm là thị xã Kiến Tường thuộc tỉnh Long An. Vùng Đồng Tháp Mười rộng 697.000 hecta, có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim. Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chiến tranh Việt Nam, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng nhất. Trong thập niên 1980, ba tỉnh nói trên đã đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo quan trọng trên thế giới.
- Đồng Tháp Mười là tên gọi của một vùng đất rộng nằm bên sông Tiền, có vùng ngập lũ hàng năm.
- HS làm việc theo nhóm. Từng HS nêu ý kiến (HS có thể dựa vào những câu ca dao đã đọc như “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/ Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”, “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”,... hoặc tìm đọc những bài viết trong sách báo in, mạng in-tơ-nét,... về Đồng Tháp Mười.). GV có thể bổ sung thêm thông tin: Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước ở phía đông sông Tiền, ven biên giới Việt Nam Cam-pu-chia, trải rộng trên các tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
− GV nhận xét ý kiến của các nhóm, sau đó GV dẫn dắt vào bài mới:
+ HS quan sát tranh minh hoạ bài đọc và nêu nhận xét hoặc cảm nhận của mình về những hình ảnh trong tranh.
+ GV giới thiệu khái quát: Bài thơ gợi vẻ đẹp riêng của cảnh vật, cuộc sống và tâm hồn con người Đồng Tháp Mười, nơi có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.
2. Đọc văn bản
Văn bản: Đường quê Đồng Tháp Mười
Bông súng thả lồng đèn
Sáng bồng bềnh mặt nước
Cá lòng tong chạy trước
Dẫn đường về thăm ông.
Đường quê, sào vít cong
Xuồng lướt như tên bắn
Cò ở đâu giật mình
Bay lẫn vào mây trắng.
Lấm lem con trâu đầm
Chém cặp sừng loé nắng
Xình xịch thuyền đuôi tôm
Chở lúa vàng, rẽ sóng.
Kìa mấy búp sen hồng
Nối đầu thu, cuối hạ
Nước lớn sông Cửu Long
Chơi với sen nghiêng ngả.
Về xứ mười tầng tháp
Leo cầu trăm đốt tre
Ông đứng như bụt hiện
Chờ cháu cuối đường quê.
(Trần Quốc Toàn)
– GV đọc bài thơ (hoặc 2 HS đọc nối tiếp các khổ thơ), chú ý đọc diễn cảm, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi cảm xúc ngỡ ngàng, thú vị trước cuộc sống mang phong vị riêng của Đồng Tháp Mười.
– GV hướng dẫn đọc:
+ Đọc đúng các từ ngữ chứa tiếng dễ phát âm sai, VD: thả lồng đèn, cá lòng tong, xuồng lướt, loé nắng, chở lúa vàng,...
+ Đọc diễn cảm, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi cảnh sắc và nhịp điệu của cuộc sống.
VD: Bông súng thủ lồng đèn Sáng bồng bềnh mặt nước Cá lòng tong chạy trước Dẫn đường về thăm ông.
Lấm lem con trâu đầm Chém cặp sừng loé nắng Xình xịch thuyền đuôi tôm Chở lúa vàng, rẽ sóng.
- GV hướng dẫn HS làm việc theo cặp, đọc nối tiếp các khổ thơ.
- HS làm việc theo cặp, đọc nối tiếp các khổ thơ, sau đó đổi đoạn để đọc.
− GV nhận xét việc đọc của các nhóm hoặc cả lớp.
- GV hỏi HS có từ ngữ nào trong bài thơ mà chưa hiểu hoặc cảm thấy khó hiểu, GV có thể giải thích hoặc hướng dẫn HS tra từ điển và chia sẻ trước lớp.
3. Trả lời câu hỏi
– GV nói: Bạn nhỏ về thăm quê ở Đồng Tháp Mười bằng cách đi xuồng trên kênh rạch qua những câu thơ:
Bông súng thả lồng đèn Sáng bồng bềnh mặt nước Cá lòng tong chạy trước Dẫn đường về thăm ông.
Đường quê, sào vít cong
Xuồng lướt như tên bắn...
- GV giải thích thêm: Hình ảnh “đường quê sào vít cong” là hình ảnh cây sào chống xuống tận đáy kênh rạch để đẩy thuyền đi (chứ không thể là chống xuống đáy sông, đáy biển).
– GV hướng dẫn HS trả lời lần lượt các câu hỏi, yêu cầu nêu trong SHS hoặc cho HS làm việc theo nhóm, trao đổi để cùng nhau trả lời 5 câu hỏi, sau đó 1 – 2 nhóm trình bày trước lớp. (GV cũng có thể thiết kế phiếu đọc hiểu để HS trả lời các câu hỏi vào phiếu trước khi phát biểu trong nhóm hoặc trước lớp.)
Câu 1. Ở khổ thơ đầu, đường về quê thú vị như thế nào qua cảm nhận của bạn nhỏ?
– HS làm việc cá nhân, đọc khổ thơ đầu để chuẩn bị câu trả lời.
− 2 − 3 HS phát biểu, cả lớp và GV nhận xét, góp ý.
Đáp án: Ở khổ thơ đầu, bạn nhỏ cảm thấy thích thú khi nhìn ngắm cảnh vật trên đường quê: bông hoa súng như những chiếc đèn lồng bồng bềnh, thắp sáng mặt nước; đàn cá lòng tong hiếu khách dẫn đường về thăm ông.
Câu 2. Tìm những nét đẹp riêng của vùng Đồng Tháp Mười được miêu tả trong bài thơ (về cảnh vật thiên nhiên; về cuộc sống con người).
— HS làm việc theo cặp hoặc nhóm để trả lời câu hỏi.
– Các cặp hoặc nhóm đối chiếu kết quả. Đại diện một số cặp hoặc nhóm phát biểu trước lớp.
Đáp án:
+ Cảnh vật thiên nhiên: Bài thơ gợi ra hình ảnh đoạn kênh rạch ở vùng Đồng Tháp Mười: có những bông hoa súng tươi rói nổi trên mặt nước như thắp đèn lồng, cá lòng tong bơi thành đàn trong làn nước trong xanh. Trên ruộng lầy, mấy con trâu đầm mình dưới bùn lấm lem; nắng chiếu làm sừng trâu loang loáng như múa kiếm, xa xa đàn cò bay lẫn vào nền trời mây trắng; những búp sen hồng cuối hạ nghiêng ngả theo nhịp sóng nước của dòng Cửu Long,...
+ Cuộc sống con người. Con người sống chan hoà trong không gian mênh mang của kênh rạch, mương máng, sóng nước (Xuồng lướt như tên bắn, Xình xịch thuyền đuôi tôm/ Chở lúa vàng, rẽ sóng,...).
Câu 3. Những từ ngữ nào trong bài thơ gợi tả nhịp sống ở Đồng Tháp Mười rất sôi động, náo nức?
– HS làm việc cá nhân, sau đó đối chiếu kết quả theo cặp hoặc nhóm.
– Đại diện một số nhóm phát biểu trước lớp. GV hướng dẫn HS nhận xét, góp ý.
Đáp án:
- Nhịp sống ở quê hương Đồng Tháp Mười rất hối hả, sôi động, náo nức với những hình ảnh như “xuồng lướt như tên bắn”, “xình xịch thuyền đuôi tôm, chở lúa vàng rẽ sóng”,..., mọi vật trong bài thơ đều ở thế “động”: cá lòng tong – chạy trước dẫn đường; cò – giật mình, bay lẫn vào mây trắng; trâu – chém cặp sừng loé nắng; sen – nghiêng ngả theo nhịp nước lên của sông Cửu Long;...
Câu 4. Ở khổ thơ cuối, bạn nhỏ muốn nói điều gì về quê hương mình?
— Một số HS phát biểu ý kiến, GV khích lệ các em phát biểu theo cảm nhận, hiểu biết của mình. GV lưu ý chấp nhận những cách cảm nhận khác nhau.
VD:
+ Khổ thơ gợi lại những dáng nét xưa của Đồng Tháp Mười, tương truyền nơi đây xưa kia có toà tháp cao mười tầng với bóng dáng những chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch nối hai bờ qua lại.
+ Nếu như bài thơ là một bức tranh thì khổ thơ cuối là những nét vẽ cuối cùng, cũng là hình ảnh gợi sự lắng sâu của cảm xúc con người khi nghĩ về quê hương. Đó là cảm xúc dành cho người thân. Hình ảnh ông đứng chờ cháu cuối đường quê, thân thương, ấm áp biết mấy!
+ Ở khổ thơ cuối, bạn nhỏ muốn nói về quê hương mình: quê hương đẹp và chất phác với những nét đẹp thôn quê: cầu tre, đường quê; bạn nhỏ yêu con người, yêu quê hương mình, nhìn quê hương như những gì nhẹ nhàng, hiền lành và tốt đẹp nhất.
+ Cảm nhận quê hương tươi đẹp, thân quen với cầu tre, đường quê. Con người nơi đây hiền lành chất phác, sống giản dị nghĩa tình như trong cổ tích.
- Cảm nhận không gian, nhịp sống, sinh hoạt vùng sông nước, kênh rạch, cuộc sống mang màu sắc riêng của vùng sông nước bao đời nay.
Câu 5. Những chi tiết, hình ảnh nào ở miền quê này gợi nhớ những câu chuyện cổ tích quen thuộc?
Những chi tiết, hình ảnh ở miền quê này gợi nhớ những câu chuyện cổ tích quen thuộc: cá bơi như chạy; cầu trăm đốt tre; ông đứng như bụt.
Khổ thơ cuối gợi sắc màu cổ tích của miền quê này qua những hình ảnh “trăm đốt tre” truyện “Cây tre trăm đốt”, và hình ảnh ông bụt, ông tiên hiền hậu trong thế giới cổ tích
xa xưa,...
4. Học thuộc lòng
GV hướng dẫn HS đọc thuộc lòng bài thơ.
− HS làm việc cá nhân, học thuộc bài thơ.
Một số HS đọc những khổ thơ đã thuộc tại lớp.
5. Luyện tập theo văn bản đọc
− GV có thể nêu thời gian thực hiện 2 bài tập và chỉ dẫn hình thức học cá nhân, học theo cặp hoặc theo nhóm (tuỳ vào năng lực của HS trong lớp).
– Sau thời gian làm bài, có thể cho HS trình bày trước lớp hoặc GV kiểm soát kết quả thực hiện nhiệm vụ của HS và nhận xét trước lớp.
Câu 1. Các từ ngữ dưới đây có tác dụng gì trong việc miêu tả cảnh vật?
bồng bềnh, lấm lem , xình xịch , nghiêng ngả
Trong việc miêu tả cảnh vật, các từ ngữ dưới đây có nghĩa cụ thể là:
+ bồng bềnh: tả dáng chuyển động lên xuống nhẹ nhàng theo làn sóng, làn gió.
+ lấm lem: bị dính bẩn nhiều chỗ, thành những vết loang.
+ xình xịch: tiếng kêu trầm và phát ra đều đều liên tục như tiếng máy nổ.
+ nghiêng ngả: không giữ vững, ngả sang bên này rồi lại nghiêng sang bên kia liên tục.
Việc dùng các từ này trong miêu tả cảnh vật giúp việc miêu tả vừa uyển chuyển về âm thanh, vừa tả chính xác trạng thái của sự vật bằng các từ ngữ nhẹ nhàng, gợi hình gợi nghĩa cho người đọc suy ngẫm.
GV có thể nói với HS: Các từ bồng bềnh, lấm lem, xình xịch, nghiêng ngả (đều gồm hai tiếng, các tiếng lặp lại âm đầu, tạo sự thú vị cho người đọc).
Đáp án tham khảo: Các từ này được dùng để miêu tả vẻ sống động của cảnh vật, diễn tả trạng thái, âm thanh,... của sự vật. Từ đó, mang đến cho người đọc một cái nhìn đa chiều và sâu sắc đối với cảnh vật được nói đến (vùng quê Đồng Tháp Mười, nơi có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt; nhiều ao, hồ lớn).
Câu 2. Tìm những hình ảnh so sánh, nhân hoá trong bài thơ. Em thích hình ảnh nào nhất? Vì sao?
HS trao đổi, thống nhất câu trả lời
+ Hình ảnh so sánh: Xuồng lướt như tên bắn; Ông đứng như bụt hiện;
+ Hình ảnh nhân hoá: Cá lòng tong chạy trước,/ Dẫn đường về thăm ông; Nước lớn sông Cửu Long/ Chơi với sen nghiêng ngả,...).
- GV có thể nói thêm:
- Biện pháp so sánh, nhân hoá có tác dụng trong việc miêu tả cảnh vật ở Đồng Tháp Mười giúp cho cảnh vật hiển hiện rõ nét hơn,
- hình ảnh nhân hoá làm cho cảnh vật hiện ra sống động, có tính cảm, cảm xúc như con người.
-Bạn thích hình ảnh nào nhất? Vì sao?
+ Tớ thích hình ảnh so sánh "Xuồng lướt như tên bắn" có trong bài. Nhờ cách so sánh này tớ hình dung thuyền đi trên sông rất nhanh.
+ Em thích hình ảnh nhân hóa : " Lấm lem con trâu đầm/ Chém cặp sừng loé nắng" . Đây là hình ảnh thơ đẹp. Em hình dung được cặp sừng con trâu đập mạnh xuống nước làm nước băn tung tóe dưới ánh nắng mặt trời như bức tranh đẹp.