Một số lỗi thường gặp khi ra đề kiểm tra Toán lớp 4 và lớp 5

Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh là một trong những việc làm cần thiết. Cách thức ra đề như thế nào?, kĩ thuật trắc nghiệm ra sao?,… đã được hướng dẫn rất kĩ và rõ trong Thông tư 22 của Bộ GDĐT, tài liệu tham khảo Sở GDĐT cũng đã rất cụ thể.

Nhưng việc ra đề kiểm tra thời gian gần đây của cấp Tiểu học vẫn còn vướng mắc một số lỗi mà giáo viên, những người phụ trách chuyên môn, cũng như cán bộ quản lí cần phải quan tâm khắc phục.

Ảnh Internet: minh hoạ học sinh tiểu học làm bài kiểm tra

Hầu hết giáo viên tiểu học đều đồng tình với việc cần xây dựng ma trận đề trước khi ra một đề kiểm tra kết quả học tập của học sinh. Ma trận đề giúp cho giáo viên có được đề kiểm tra phù hợp, sát với nội dung chương trình của khối lớp học, đảm bảo được chuẩn kiến thức, kĩ năng trọng tâm, tối thiểu cần kiểm tra. Từng bài tập, câu hỏi trong đề kiểm tra xác định được các mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức kĩ năng quy định trong chương trình.

Nhiều đề kiểm tra có tầm quét rộng, nội dung kiến thức, kĩ năng cần đạt được phân bổ đều trong các mạch kiến thức mà các em đã được học. Qua đó cũng  đánh giá được quá trình rèn luyện, học tập của các em trong một giai đoạn học tập.

Cũng chính nhờ ma trận đề mà các bài kiểm tra đảm bảo cấu trúc; câu hỏi đa dạng, phong phú; đảm bảo được tính chính xác, khoa học; trình bày rõ ràng; khắc phục được lỗi kĩ thuật làm đề.

Ưu điểm của ma trận đề trong việc kiểm tra là thế. Nhưng trong quá trình thực hiện đến nay vẫn còn rất nhiều lỗi làm cho việc ra đề kiểm tra trở nên nặng nề; không đánh giá hết được năng lực học tập và rèn luyện của học sinh; không đánh giá được năng lực và vai trò của giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Một số lỗi phổ biến và trọng tâm thường mắc phải khi ra đề kiểm tra:

Giáo viên chưa thấu đáo, thông suốt vai trò và lợi ích của ma trận đề. Không xây dựng ma trận đề trước khi ra đề kiểm tra. Từ đó kiến thức, kĩ năng trọng tâm, tối thiểu cần kiểm tra chưa đầy đủ.

Nhiều câu hỏi, bài tập TNKQ chưa đa dạng; các phương án nhiễu chưa phù hợp (học sinh không cần tư duy có thể chọn lựa theo phán đoán một cách nhanh chóng). Trong khi yêu cầu cần đảm bảo khi ra đề kiểm tra là: Tất cả các phương án nhiễu phải có tính hợp lí. Đó thường là những hiểu lầm những sai sót HS thường mắc. Sử dụng kiến thức, hiểu biết của giáo viên về các lỗi thông thường mà học sinh hay mắc phải để viết phương án nhiễu là cách làm khôn ngoan nhất.

Ví dụ: nếu GV biết rằng HS thường bỏ qua một bước hoặc nhầm lẫn trong quá trình tính toán nào đó hãy đưa ra một phương án nhiễu là kết quả của thiếu sót/nhầm lẫn đó.

Sai sót về đáp án. Đây là một lỗi không thể chấp nhận được nhưng lại rất phổ biến. Người ra đề kiểm tra cần nghiên cứu kĩ và cần phải có đáp án thật phù hợp, chuẩn xác.

Chẳng hạn:

Bài tìm x như thế này, giáo viên lại có đáp án và cho là HS làm đúng:  

432  :  x  =  17 – 8 

  x = 432 : 9

                                                  x = 48

HS đã sai thuật toán. Thiếu bước tính quan trọng cần phải có (432  :  x  =  9)

Hay: Cho hình vuông ABCD có cạnh là 12cm. Người ta chia hình vuông thành hai hình chữ nhật ABND và MBCN sao cho hình chữ nhật AMND có chiều rộng gấp đôi chiều rộng của hình chữ nhật MBCN. Tính chu vi hình chữ nhật ADMN.

Bài giải lại như thế này:

Chiều rộng của hình chữ nhật ADNM là:        

        12 : 3 Í 2 = 8 (cm)

Chu vi hình chữ nhật ADMN là:     

      (12 + 8) Í 2 = 40 (cm)

                        Đáp số: 40cm

Toán Tiểu học không cần lí giải rườm rà nhưng nhất thiết phải có cơ sở khi sử dụng các dữ liệu bài toán để tính toán. Như vậy HS thiếu đi một bước rất quan trọng trong bước tính không thể chấp nhận: Vì hình chữ nhật AMND có chiều rộng gấp đôi chiều rộng hình chữ nhật MBCN nên AM = 2/3 AB

Hoặc: Trong buổi giao lưu Chữ viết đẹp vòng huyện tổ chức vừa qua, đội tuyển học sinh trường Tiểu học Long Khánh B1 dự thi 7 em và có 3 em đạt giải. Hỏi học sinh đạt giải so với học sinh không đạt chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm?

Đáp án đưa ra như sau:

Học sinh của đội tuyển dự thi chưa đạt giải là :

 -  3  =  4 (học sinh)  

Tỉ lệ HS dự thi đạt giải chiếm là :

3  :  4  x 100 = 75 %                

ĐS : 75 %

Mặc dù kết quả bài toán đúng nhưng câu lời giải chưa đạt yêu cầu, trong khi câu lời giải đúng là:

Tỉ lệ HS đạt giải so với HS không đạt giải chiếm là:

Hoặc: Số HS đạt giải so với số HS không đạt giải chiếm tỉ lệ là:

Xác định mức độ hoàn thành ở các câu hỏi, bài tập chưa phù hợp. Bốn mức độ năng lực học sinh cần đạt được đánh giá qua bài kiểm tra chưa chính xác. Mức độ nhầm lẫn cao.

Chẳng hạn:

Những bài đặt tính rồi tính thì lại cho rằng HS được đánh giá ở mức 3.

Bài toán đố về hình như thế này thì cho là (mức 1):

Cho biết các tứ giác AIHD, ABCD, BIHC là những    

  hình chữ nhật. Trong hình bên có:

 a) Số cặp cạnh vuông góc với nhau là :                           

            A. 4                 B. 6                 C. 8                 D. 10               

  b) Số cặp cạnh song song với nhau là:

A. 3                 B. 4            C. 5                       D. 6

- Điền dấu < , > , =  thích hợp vào chỗ chấm thì lại cho mức (M3)       

            21,72……..21,712                  54,008……52,800

            0,45………0,4500                  1,204……..1,240

Tính bằng cách thuận tiện nhất: (M4)
            437  x 136 – 437 x 126

Thêm nội dung, dữ kiện quá nhiều vào bài toán làm cho bài toán phức tạp hơn, vượt chuẩn.

Chẳng hạn: Bài toán lớp 3 lại cho như sau (Mức 4)

Gấp năm lần quãng đường từ nhà đến trường vẫn ngắn hơn quãng đường từ nhà đến chợ là 57m. Biết quãng đường từ nhà đến trường dài 82m. Tính quãng đường từ nhà đến chợ.

Nội dung kiến thức trong một bài kiểm tra trùng lắp.

Câu 2: Ghi kết quả các phép tính

            a) 87,06 – 13,6 =  .......................                                    

                        b)  146,34 + 521,85 = ..........................

Câu 7: Đặt tính rồi tính 

a) 358,45 + 69,159                  b) 357,25 -  147,9

c) 7,6  x  36,28              d)  18 :  14,4

           

Để khắc phục hiện trạng trên, thiết nghĩ vai trò của tổ trưởng chuyên môn rất quan trọng. Nếu tổ trưởng chuyên môn hoạt động tích cực, đều tay và quan tâm nâng cao năng lực của mình có thể quyết định chất lượng, sự thành công, lập nên thương hiệu nhà trường.

Lãnh đạo nhà trường, đặc biệt Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cần quan tâm sâu sát, tạo được mối đoàn kết và thắt chặt sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ khối, giữa các bộ phận trong nhà trường và tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất để tổ chuyên môn được hoạt động thì sự thành công sẽ rất mĩ mãn, hơn cả sự mong đợi.

Mỗi lần họp tổ chuyên môn theo quy định cần trao đổi lại các công văn hướng dẫn thực hiện chuyên môn của Bộ GDĐT, Sở GDĐT giải toả những thắc mắc, bâng khuâng chưa thông suốt của các thành viên; thống nhất nội dung kiến thức cơ bản, trọng tâm tối thiểu cần kiểm tra (Dựa vào hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng và Bộ đề kiểm tra HK của Bộ GD&ĐT), rút kinh nghiệm việc xây dựng ma trận, thiết kế các phương án trả lời, chia sẻ việc ra đề,... . Đặc biệt là xác định câu hỏi đúng các mức độ, quan tâm đến các câu hỏi phát triển năng lực học sinh.

Sau khi làm đề xong phải rà soát lại so với ma trận (nội dung, câu hỏi), kiểm tra lại đáp án có chính xác không, phân bổ phương án trả lời đúng A, B, C, D có đảm bảo tỉ lệ tương đối đều chưa, những câu hỏi tự luận giáo viên phải tự làm thử trước (vì có câu hỏi tự luận, giáo viên cũng không trả lời được hoặc câu trả lời chưa đúng ý trọng tâm câu hỏi). Câu hỏi nào mà phương án trả lời giáo viên còn tranh luận thì nên thay câu hỏi khác.

Nếu mỗi tổ chuyên môn xây dựng được các tiêu chí thiết kế đề kiểm tra và bám sát theo đó để có được một đề kiểm tra thật chất lượng thì không chỉ rèn luyện, phát huy năng lực cần đạt, sở trường của học sinh mà còn kiểm chứng, ghi nhận cũng như đánh giá đúng năng lực giảng dạy, tay nghề của giáo viên.